Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, tính đến 1/4, tổng đàn bò sữa của Việt Nam năm 2014 là 200.400 con, tăng 14% so với cả năm 2013 và tăng 67% so với năm 2010. Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn đang và có kế hoạch tham gia đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa. Đây là bước phát triển nhảy vọt về số lượng và chất lượng của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam (khi các trang trại quy mô công nghiệp hiện đại ra đời bên cạnh những trang trại quy mô gia đình).
Ngành chế biến sữa trong nước cũng đã có thêm nhiều nhà máy chế biến sữa mới hiện đại ra đời có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới. Điển hình là hai nhà máy chế biến sữa của Vinamilk. Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) có diện tích 20ha, tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng tại Bình Dương, có công nghệ hiện đại. Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam của Vinamilk có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm, là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất châu Á.
Theo nghiên cứu của Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, các sản phẩm sữa nước giữ vị trí dẫn đầu trong ngành thực phẩm đồ uống với mức tăng trưởng 12% ở thành thị và 20% ở nông thôn, sữa chua men sống tăng 15%... Đây là những mặt hàng sản xuất chủ yếu trong nước. Riêng mặt hàng sữa bột, theo thống kê của Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm 2014, sản lượng sản xuất tăng 5,52% so với cùng kỳ 2013. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia tại châu Á có xuất khẩu sữa. Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm sữa trị giá hơn 230 triệu USD (trong đó Vinamilk xuất khẩu 210 triệu USD).
Tại hội thảo, các tham luận của các chuyên gia đều cho rằng, việc đa dạng hóa sản phẩm sữa đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Những sản phẩm sữa tiệt trùng (hay sữa hoàn nguyên tiệt trùng) được bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng người dùng, cũng rất tốt để người tiêu dùng lựa chọn chứ không nhất thiết chỉ có sữa tươi mới tốt như một số thông tin trước đây.
Bình luận của bạn